Minh họa: NGỌC THUẦN |
Cụ thể là vầy: “Ở một thành phố nọ, có cô bé ngoan sống với ba mẹ trong một ngôi nhà dưới chân cầu Phú Mỹ (gần nhà cậu, có cả tên hẻm, tên đường, số nhà nhưng không tiện kể ra ở đây). Cô bé học lớp chồi 2 ở một trường mầm non (cùng ngôi trường mà bạn nhỏ đang học, cũng không tiện kể ra ở đây).
Một hôm, mẹ cô bé làm bánh pizza (đúng món bạn nhỏ thích!) và nhờ cô bé mang bánh đến biếu bà. Mẹ dặn xong việc nhớ về sớm, không được đi lung tung, xe cộ nguy hiểm.
Cô bé ngoan ngoãn hôn mẹ rồi lên đường. Cô đi bằng taxi cho nhanh (có cả tên hãng taxi nhưng kể ra đây hơi bất tiện). Khi đến đoạn có trung tâm mua sắm (hẳn là có tên, nhưng cũng như mọi lần trước, xin giữ bí mật!), cô bé thấy vui quá, xin chú taxi dừng xe cho cháu vào khu vui chơi chơi trò đập chuột và câu kẹo một chút...”.
Toàn bộ câu chuyện được hư cấu lại theo chiều hướng đó. Nhưng đến đoạn có con chó sói thì khó rồi đây. Làm sao có vật gì đảm bảo cái tai to, mũi dài và miệng lớn và cái bụng có thể chứa bà ngoại bây giờ? Thôi, nghỉ chút, người kể phải kiếm cớ đi uống nước, ăn bánh ngọt câu giờ, vận dụng hết năng lực “phịa” để câu chuyện được tiếp tục một cách liền mạch và hợp lý.
Cuối cùng, dưới bóng đèn sáng choang, một ý tưởng mới xuất hiện. Người kể bèn đẻ ra một anh chàng Người Thùng khổng lồ. Chỉ có Người Thùng trong tưởng tượng mới có thể giúp giải quyết yêu cầu về cái bụng và đảm bảo giữ lại những đặc điểm cơ bản của... nhan sắc con sói.
Rồi chưa hết, cái khó còn tiếp diễn với nhân vật chú thợ săn. Có chó sói mới cần đến chú thợ săn, còn một gã Người Thùng thì làm sao?
À, cần đến một bác thợ cơ khí.
Vậy là xong. Bà ngoại tạm thời ngồi trong bụng của gã Người Thùng khổng lồ thích đùa, còn bác thợ cơ khí thì chỉ việc dùng một cây xà beng bẩy tung cái ổ khóa ở bụng gã mà giải thoát cho bà ngoại theo yêu cầu của cô bé quàng khăn đỏ.
Tất nhiên, chú tài xế taxi phải nằm đọc báo đợi bên ngoài, nhiệt tình đưa cô bé đi đến nơi về đến chốn mà không hay biết điều gì xảy ra với khách hàng của mình. (Đó là lý do mà từ ban đầu, người kể xin giấu tên hãng taxi!).
Hôm sau, bạn nhỏ lại đề nghị kể lại câu chuyện kỳ quặc đó, cậu thích nhất là đoạn bác thợ cơ khí bẩy tung cái ổ khóa và bà ngoại lồm cồm bò ra. Bạn nhỏ cười há há: “Ở lớp con cũng có cái thùng nhưng để đựng nước. Trời ơi, bà ngoại chơi trốn tìm gì kỳ quá!”.
Tôi đã tạo ra một dị bản có bề hiện đại và cơ giới hóa của một cổ tích quá nổi tiếng, chỉ để bạn nhỏ không cảm thấy nhàm chán, xa lạ và có thể lấy hứng thú với những giờ kể chuyện hằng đêm, thay vì coi hoạt hình hay ngồi thui thủi góc nhà ráp lego.
Hẳn đã có vô vàn kiểu dị bản từ những truyện cổ tích được đẻ ra trên đời theo yêu cầu những cô bé, cậu bé như bạn nhỏ và từ óc tưởng tượng có giới hạn của những ông bố, bà mẹ như tôi.
Biết làm sao được khi ở một giai đoạn nào đó, trước lúc ta cần kích hoạt trí tưởng tượng phong phú nơi trẻ thơ, thì thế giới trong những pho truyện phải được kéo về đồng nhất với không gian trải nghiệm hằng ngày của các em. Thế giới ấy dần lớn lên cùng nhãn quan và năng lực hình dung. Đến một lúc nào đó, khi trí tưởng tượng đủ chắp cánh bay đến những miền trời xa lạ, thì khu rừng, con sói, bà ngoại và chú thợ săn sẽ được trả về đúng chỗ.
Câu chuyện mô phỏng của người kể hôm nay sẽ dần biến mất, có thể chỉ lưu lại vài chi tiết buồn cười khi bạn nhỏ nhớ về những đêm hai cha con nằm bên nhau, lựa hết hãng taxi này đến hãng taxi kia cho cô bé quàng khăn đỏ đi vào hành trình hoang đường trong đô thị, thay thế cho những khu rừng đang dần thu hẹp trên mặt địa cầu này.
Tôi cũng sẽ mãi nhớ ánh mắt bạn sáng lên, tiếng cười bạn trong veo khi đưa ra những gợi ý ngộ nghĩnh, gần gũi mà tôi không thể nghĩ ra được.
Nhưng này bạn nhỏ, câu chuyện không dừng lại ở đó. Trước khi đi ngủ, tôi sẽ tiết lộ cho bạn một bí mật: ngày hôm sau cô bé quàng khăn đỏ lại có một hành trình khác, vui hơn, hấp dẫn hơn. Hãy tin tôi đi. Nơi đó, có một thành phố trong rừng, taxi không vào được và cô bé phải đi bộ...
Chúc bạn nhỏ ngủ ngon.
0 nhận xét: