Thứ Hai, 23 tháng 1, 2017

​Làm sao để không ‘nhức đầu’ khi đưa con về quê ăn tết?

Tại sân bay Tân Sơn Nhất, nhiều gia đình đưa con về quê ăn tết - Ảnh: HỮU THUẬN
Tại sân bay Tân Sơn Nhất, nhiều gia đình đưa con về quê ăn tết - Ảnh: HỮU THUẬN

Làm thế nào để trẻ an toàn và vẫn ngoan khi về quê ăn Tết? Chị Kim Oanh, nhân viên văn phòng ở quận Phú Nhuận, ‘bật mí’ vài bí quyết của gia đình chị:

Làm ‘công tác tư tưởng’ với bé trước

Con tôi một đứa 6 tuổi một đứa 3 tuổi, năm nào cũng về hai quê nội ngoại. Một tuần trước khi đi, tôi báo cho con biết rằng các cháu sẽ được về quê chơi, đồng thời ra điều kiện: bạn nào ngoan, biết nghe lời sẽ được các anh chị lớn dẫn đi chơi diều, bắt cá, đi hồ bơi…bạn nào lì sẽ ở nhà.

Về quê mà không được đi đâu thì có khác gì ở thành phố, nên các bạn nhỏ - đặc biệt anh hai, rất biết nghe lời. Em gái thấy anh hai như thế nên cũng làm theo anh.

Một điều cần lưu ý là cha mẹ cũng phải làm ‘công tác tư tưởng’ trước với ông bà, cô dì… ở quê. Bởi tâm lý ông bà thường là cưng chìu cháu, kiểu ‘lâu lâu nó mới về, kệ nó đi’. Nên giải thích để ông bà biết rằng cần đưa bé vào khuôn phép dù là đang ở đâu, làm gì, và đề nghị ông bà ‘hợp tác’ để việc dạy bé được hiệu quả.

Dạy con những kiến thức cần thiết để đảm bảo an toàn

Trẻ ở thành thị khi về quê thường lạ lẫm trước những thứ mà trẻ con ở quê quá quen thuộc như như đi cầu khỉ, tắm sông, thả diều, bắt cua thậm chí là rắn… Nếu không được cha mẹ cảnh báo, bé sẽ nghĩ mình cũng làm được như trẻ ở quê, điều này rất nguy hiểm cho bé.

Hãy dạy cho trẻ rằng khi một mình đi qua cầu khỉ, bé có thể bị té vì đi không quen. Rằng bơi ở sông không giống bơi trong hồ bơi vì nước sông chảy bé có thể bị cuốn đi. Rằng cua có thể kẹp tay bé chảy máu và rắn có thể cắn bé bị thương… Do vậy khi muốn làm những điều đó, bé nên xin phép cha mẹ hoặc ông bà, cô dì… để người lớn đi theo bé và giúp bé khi cần.

Ngay cả với những trò chơi tưởng như an toàn vẫn có thể có rủi ro, ví dụ chơi thả diều. Cần dạy bé rằng khi anh chị lớn đang thả diều, bé không nên đứng quá gần sợi dây diều vì khi gió thổi mạnh, có khả năng người chơi bị mất kiểm soát và dây có thể quấn vào người bé làm bé bị thương hoặc bị ngạt nếu chẳng may dây quấn vào cổ.

Cha mẹ cũng cần dạy trẻ không bắt chước trẻ ở quê đốt lửa, dùng dao vì trẻ có thể bị bỏng, bị thương do không quen. Nếu trẻ háo hức muốn thử, nhất định phải xin phép người lớn và phải có người lớn giám sát.

Chiều quê - Ảnh: FB
Chiều quê - Ảnh: FB/Kim Nhung

Chuẩn bị mọi thứ cần thiết trước chuyến đi

Thời tiết ở quê khác ở thành, nên cha mẹ phải chú ý chuẩn bị tránh để con bị bệnh do thay đổi thời tiết. Đầu tiên là chuẩn bị quần áo. Thời tiết dịp tết thường se se lạnh, nên đừng quên áo ấm, đồ dài tay và vớ (với trẻ nhỏ)…

Thứ hai là thuốc men, trong đó những loại thuốc không thể thiếu là thuốc hạ sốt, thuốc tiêu hóa, băng cá nhân, dung dịch xịt mũi, nước muối sinh lý, kem chống muỗi, kem bôi vết côn trùng cắn… Với những trẻ thường mắc một loại bệnh như viêm hô hấp, trước khi về quê nên đến bác sĩ quen khám và xin tư vấn chuẩn bị những loại thuốc cần cho bé đề phòng trường hợp bé bệnh mà không có bác sĩ…

Với trẻ nhỏ và trẻ biếng ăn/khó ăn, cần chuẩn bị thêm sữa và những thức ăn bé thích. Cũng có thể đem theo vài món đồ chơi, sách vở… mà bé thích để bé chơi đỡ buồn khi phải đi tàu, xe quá lâu.

Chị Hà Thanh, chủ một cửa hàng online và có ‘thâm niên’ trong việc đưa đón con về quê chơi, ‘mách’ thêm: Dù quê xa hay gần, cha mẹ nên hạn chế chở con đi bằng xe máy vì an toàn kém và khiến bé dễ bị mệt mỏi, có khi bị bệnh. Nên đi ô tô, xe khách… nhưng nhớ không để con ngồi trên ghế trước vì nếu tài xế thắng gấp bé dễ bị đụng đầu vào thành xe, chưa kể bé hay nghịch phá làm tài xế mất tập trung.

Ngoài ra cũng nên chú ý đến thức ăn của con, không nên cho con muốn gì ăn nấy, uống nấy, nhất là thức ăn mua ngoài đường, vì có nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm. 

TƯỜNG VY ghi
Source : tuoitre[dot]vn

SHARE THIS

Author:

Facebook Comment

0 nhận xét: