Đủ tai họa vì làm đẹp
Anh Nguyễn Văn Bảo (ở Phú Thọ) đến giờ vẫn không nghĩ rằng có ngày anh phải vào bệnh viện cấp cứu chỉ vì thuốc nhuộm. Đầu tháng Chạp, anh đi nhuộm tóc ở một hiệu làm tóc, sau đó có dấu hiệu mẩn ngứa, khó chịu vùng da đầu rồi nhanh chóng lan xuống mắt nhưng anh chủ quan cho rằng không sao nên cố chịu. Một ngày sau vùng da đầu ngứa không chịu được, nổi mụn nước, khuôn mặt sưng lên một cách bất thường, gia đình đã đưa anh vào viện. Các bác sĩ kết luận anh bị dị ứng với thuốc nhuộm tóc.
Cách đây không lâu, Bệnh viện Trưng Vương (TPHCM) cũng đã tiếp nhận và xử lý hai trường hợp gặp “họa” vì làm đẹp tóc đón Tết. Một nữ bệnh nhân (16 tuổi) nhập viện trong tình trạng một mảng lớn da đầu khoảng 10x5cm bị loét nặng. Trước đó, cô đi uốn tóc tại một tiệm làm tóc gần nhà. Trong lúc uốn tóc, ống uốn tóc bị xì hơi nóng ra làm cô bị bỏng nặng. Hơn 3 tuần tự điều trị ở nhà không đỡ, vết thương càng ăn sâu, loét ra. Vào viện, các bác sỹ đã phải cắt lọc vùng da bị bỏng sâu rồi tạo hình lại da đầu. Một trường hợp khác đã phải điều trị lâu dài để lấy lại hình dáng vành tai lành lặn do bị bỏng khi đi hấp dầu tại một tiệm uốn tóc để làm đẹp đón Tết.
Không chỉ nhu cầu làm mới mái tóc, nhiều người còn làm căng mọng đôi môi với chất làm đầy. Hệ quả đã có những trường hợp môi bị hoại tử. Như trường hợp chị Nguyễn Thị H (23 tuổi, quê Quảng Ninh) mong muốn có một đôi môi căng mọng nên đã sử dụng phương pháp bơm môi tại một trung tâm thẩm mỹ tại Hà Nội. Không lâu sau đó, môi chị H sưng tấy, có mủ chảy dịch, đau nhức khiến chị vào viện. Tại đây, các bác sĩ đã hút trực tiếp từ môi của chị rất nhiều chất làm đầy lẫn với mủ trắng nhưng vẫn không cải thiện được tình trạng. Cuối cùng chị đã phải phẫu thuật để cắt bỏ phần hoại tử ở môi dưới.
Cần thử phản ứng trước khi làm
Theo BS CKI Đinh Doãn Thạch, Khoa Điều trị Tổng hợp Bệnh viện Da liễu Hà Nội cơ sở 2), nhuộm tóc giờ đã trở thành một phương thức làm đẹp rất phổ biến ở nhiều người. Tuy nhiên, phần nhiều người đi nhuộm tóc thường không biết thuốc chứa các thành phần gì. Ngay cả thuốc nhuộm tóc chất lượng dù an toàn hầu hết với mọi người nhưng cũng có thể gây họa cho một số người vì cơ địa của mỗi người là khác nhau nên có những phản ứng dị ứng khác nhau.
Khi nhuộm tóc dẫn đến các phản ứng không mong muốn là do yếu tố cơ địa. Tuy nhiên, không ít trường hợp do tự ý mua thuốc không rõ nguồn gốc về nhuộm hoặc ham nhuộm tóc giá rẻ. Sau khi tiếp xúc với thuốc nhuộm tóc, tùy vào mức độ mà dị ứng xuất hiện sớm hay muộn, có người sau 2 tiếng, có người 1-2 ngày. Người bệnh thường có biểu hiện ngứa ngáy, khó chịu, càng gãi càng làm bề mặt viêm da lan rộng. Hoặc bị viêm chân tóc gây nên những nốt sẩn, mụn mủ ở chân tóc và ngứa rất dai dẳng. Nếu không được điều trị kịp thời có thể gây nên biến chứng nhiễm trùng máu, viêm thận do bội nhiễm khi gãi. Nhuộm tóc nhiều còn gây nên hiện tượng xơ tóc, tóc giòn, dễ gãy hoặc có thể rụng tóc... Có trường hợp thuốc nhuộm lan ra cả vùng mặt khiến mặt sưng, biến dạng hoặc để lại sẹo thâm đen.
Theo nghiên cứu của Viện Ung thư quốc gia Mỹ, nhuộm tóc càng lâu, dùng màu càng đậm thì nguy cơ mắc bệnh ung thư càng cao. Tỷ lệ ung thư ở những phụ nữ dùng thuốc nhuộm tóc cao hơn 50% so với những người không dùng thuốc này. Để tránh những biến chứng, thay vì nhuộm tóc liên tục, chúng ta cần kéo dài thời gian nhuộm giữa các lần, tối thiểu là 6 tháng/lần.
BS CKI Đinh Doãn Thạch khuyên mọi người khi đi làm đẹp cần lưu ý chọn những nơi đảm bảo uy tín với trang thiết bị còn mới và hiện đại. Trước khi nhuộm tóc mọi người cần thử phản ứng của thuốc với cơ thể mình trước bằng cách chấm một giọt nhỏ thuốc vào bắp tay, để khô tự nhiên trong vòng 48 giờ. Nếu không có dấu hiệu bất thường thì cơ thể bạn không bị dị ứng với thuốc. Trường hợp có triệu chứng ngứa, tấy đỏ, nổi mụn cần rửa ngay vùng tay nhỏ thuốc và tuyệt đối không sử dụng thuốc nhuộm tóc đó. Khi làm tóc, nếu cảm thấy nóng, rát phải ngưng ngay để tránh bị bỏng da.
Các chuyên gia khuyến cáo, nếu chẳng may gặp sự cố bỏng trong quá trình làm đẹp, cách sơ cứu tốt nhất là rửa dưới nước mát chừng 20-30 phút để làm giảm tác động của hóa chất. Sau đó cần tới bệnh viện chuyên khoa để điều trị phù hợp, tránh tình trạng tự mua thuốc chữa trị ở nhà khiến vết thương nặng hơn, dễ gây biến chứng.
Việc làm đẹp là nhu cầu tất yếu song đừng nên tùy tiện. Mọi người tuyệt đối không bơm môi bằng silicon lỏng. Không ít trường hợp mặt biến dạng khi bơm môi. Việc bơm môi có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như môi bị đau và sưng, sau một thời gian nó có thể đổi màu và nén các mạch máu dẫn đến hoại tử môi. Trường hợp xấu khi chất làm đầy được bơm vào sẽ đi vào mạch máu tới mắt có thể bị mù.
Nếu có nhu cầu làm đẹp bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể, hãy đến các bệnh viện lớn có chuyên khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ để được tư vấn và lựa chọn phương pháp phù hợp nhất. Nguyên liệu nào muốn bơm vào cơ thể với nhu cầu làm đẹp phải kiểm tra nguồn gốc rõ ràng, có chứng nhận hợp quy của Bộ Y tế.
Điều cần tránh khi nhuộm tóc
- Không nhuộm tóc trong các trường hợp da đầu, gáy, cổ đang bị lở loét hoặc bóc vẩy.
- Không được để thuốc nhuộm tóc rơi vào mắt. Trong trường hợp lỡ để thuốc nhuộm vào mắt cần rửa ngay mắt bằng nước sạch và đến bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và điều trị kịp thời.
- Trường hợp bị viêm da tiếp xúc kích ứng, người bệnh cần tránh không gãi nhiều vì càng gãi, vết ngứa càng lan rộng và có thể bị bội nhiễm gây biến chứng nguy hiểm. Cũng không được tự bôi các bột kháng sinh như: Penicilline, Tetracylline... vào chỗ da ngứa, chảy nước.
Hà My
0 nhận xét: