Bên lề hội nghị khoa học toàn quốc về hồi sức cấp cứu và chống độc 2017 vừa diễn ra, PGS.TS Phạm Duệ, nguyên Giám đốc TT Chống độc, BV Bạch Mai cho biết, trong suốt nhiều chục năm làm nghề thì đây là trường hợp ngộ độc chì vì dùng son môi đầu tiên ông gặp tại Việt Nam.
PGS cho biết, cách đấy mấy tháng, rất tình cờ khi ông đến ghi hình thì nữ MC hỏi bên lề rằng liệu cô có bị nhiễm chì không khi có nhiều biểu hiện như mất ngủ, táo bón, hay quên...
“Nhưng khi kiểm tra răng thì phát hiện viền lợi của cô ấy đã chuyển màu đen xám, lấp lánh ánh kim loại. Sau khi lấy máu xét nghiệm, phát hiện lượng chì trong máu lên tới 32mcg/dL, gấp hơn 3 lần ngưỡng cho phép”, PGS Duệ chia sẻ.
Sau đó ông có hỏi thêm về những thói quen thường ngày, được biết cô MC này không dùng thuốc nam hay tiếp xúc thường xuyên với các nguồn nhiễm chì khác, ngoại trừ việc dùng son đậm màu đỏ, đỏ cam hàng ngày.
Theo PGS Duệ, với những trường hợp này sẽ phải thải độc chì. Với ngộ độc chì mãn, sẽ lắng đọng nhiều bộ phận trong cơ thể, trong đó có xương.
“Sẽ cần thời gian dài để thải độc chì vì khi dùng thuốc, chì trong máu sẽ tụt nhanh, khi đó dùng thuốc thêm cũng không có tác dụng. Cần nghỉ một thời gian để chì trong xương nhiễm ra mới có thể tiếp tục thải được”, PGS Duệ thông tin.
Ông khuyên chị em phụ nữ nên tránh dùng son môi màu đậm, đặc biệt màu đỏ cam, khi đánh rồi không nên liếm môi và trước khi ăn cần lau sạch son.
Theo Thúy Hạnh
Vietnamnet
0 nhận xét: