Chủ Nhật, 23 tháng 4, 2017

​Bảo vệ trẻ khỏi bị lạm dụng bằng lời thủ thỉ của mẹ

GS.TS tâm lý Vũ Gia Hiền (tác giả sách Tâm lý học và chuẩn hành vi) nhấn mạnh: “Không ai có thể gần gũi và đủ thân thiết để tâm sự, để hiểu và giáo dục con tốt như người mẹ, đặc biệt là trong các vấn đề trẻ bị lạm dụng.

Gần gũi con mới phát hiện sự bất thường

Các bài học trên lớp hay tại các trung tâm, hội thảo về lạm dụng, về giới tính không có tác dụng sâu sắc bằng chính những lời nói nhẹ nhàng, lời thủ thỉ, tâm tình của người mẹ với con. Vì thế, chính phụ huynh phải là người trang bị kiến thức trước rồi mới truyền đạt cho con”.

Hằng ngày, cha mẹ nên dành nhiều thời gian hơn bên con, đặc biệt là những bé học tiểu học và mẫu giáo chưa có nhiều ý thức về lạm dụng.

Khi đi học về, trẻ thường véo von kể cho phụ huynh nghe những câu chuyện ở lớp, với thầy cô, bạn bè. Với những trẻ ít nói, phụ huynh nên chủ động hỏi con các câu hỏi về bài học, về chuyện vui ở lớp.

Qua những câu chuyện đó, ngoài việc gia đình trở nên gắn bó và thấu hiểu nhau hơn, phụ huynh có thể phát hiện những dấu hiệu bất thường trong câu chuyện của trẻ.

Đối với những bé hoạt bát, nhanh nhẹn, bỗng dưng đột nhiên lại ít nói, trầm tĩnh hơn và sống khép kín lại thì đó có thể là dấu hiệu trẻ đang e ngại, xấu hổ, sợ hãi hoặc đang giấu một chuyện nào đó.

Nhiều phụ huynh hiện nay thường giao bé cho các cô giúp việc chăm sóc, tắm rửa nên khó có thể quan sát được các dấu hiệu tổn thương trên cơ thể bé.

Khi thấy bất kỳ các vết bầm, vết xước trên cơ thể, phụ huynh không nên gặng hỏi bằng được mà nên hỏi nhẹ nhàng hỏi như con có đau lắm không, ai làm con đau như vậy, con bị đau từ khi nào, ở đâu.

Bên cạnh đó, khi tắm rửa, mẹ nên tâm sự với bé rằng những người lạ, kể cả người thân mà không phải ba và mẹ thì không được đụng vào những bộ phận nhạy cảm trên cơ thể (ngực, mông, bụng và vùng kín). Nếu có ai đụng chạm, bé phải hét lên, chạy đi hoặc nói ngay cho phụ huynh biết và không có gì là xấu hổ khi tâm sự cùng ba mẹ.

Khi có ai mà không phải người thân rủ bé sang nhà chơi, dù có thích những món ăn, món đồ chơi đó đi chăng nữa cũng không được nghe lời đi theo hoặc không ăn, uống đồ mà người lạ cho. Đặc biệt, các bé không nên chơi một mình ngoài đường, trong công viên mà nên đi cùng cha mẹ hoặc chơi theo nhóm với bạn bè.

Ngoài ra, các dấu hiệu như trẻ ngại tiếp xúc với người khác giới, đột nhiên bỏ ăn hoặc ăn rất nhiều, hay quấy khóc, đêm ngủ giật mình, giật mình khi cha mẹ chạm vào người, mất tập trung, ngồi trong nhà tắm rất lâu hay ngồi nép vào một góc, hay la hét và dễ cáu giận, phụ huynh cũng nên chú ý theo dõi bé, thậm chí là quan sát những bức tranh mà bé vẽ để kịp thời nhận biết dấu hiệu trẻ bị lạm dụng.

Mỗi ngày một chút, bằng những lời dặn dò, thủ thỉ mềm mại của mẹ, của bà, kiến thức sẽ đi sâu vào tâm trí trẻ như một hành trang để trẻ tự bảo vệ bản thân và phản xạ khi cần, kể cả bé gái lẫn bé trai.

Cần xử lý ngay khi thấy bất thường

“Trước đây tôi chưa bao giờ nghĩ đến khái niệm lạm dụng cũng như ấu dâm. Tôi đã từng nghĩ nó không phổ biến trong xã hội và chủ quan rằng con mình sẽ may mắn không gặp phải.

Nhưng giờ đây khi cùng một ngày tôi đọc ba tin về xâm hại tình dục trẻ em thì tôi nghĩ đã sai. Tôi đã khóc khi xem các mẹ trả lời phỏng vấn, đấu tranh để bảo vệ các con và đớn đau cho những đứa trẻ đó.

Tội phạm lạm dụng có ở khắp nơi từ chính ngôi nhà, trường học, công viên, ẩn nấp bất kỳ chỗ nào, trong bất cứ vai trò nào trong xã hội” - chị Nguyễn Mai Thanh (37 tuổi, Q.10, TP.HCM) chia sẻ.

Theo GS.TS tâm lý Vũ Gia Hiền, trong trường hợp xấu, khi bị lạm dụng như đánh đập, lăng mạ, xâm hại, bé sẽ rơi vào tình trạng hoảng loạn, sợ hãi, luôn sống trong hổ thẹn, đau đớn, tự nghĩ mình thật tồi tệ, xấu hổ không dám gặp ai.

Khi đó trẻ cần được đưa ngay đến các cơ sở y tế để kịp thời chữa lành vết thương thể chất.

Và cha mẹ nên báo với chính quyền địa phương, công an để không chỉ bảo vệ con mình mà còn bảo vệ những đứa trẻ khác đang trong nguy cơ bị xâm hại.

“Cha mẹ nên mạnh dạn đấu tranh, lên tiếng chứ không nên im lặng và để sự việc lặng lẽ trôi qua”, ông Hiền cho biết.

“Điều trị tâm lý cho trẻ bị lạm dụng là rất quan trọng và không hề đơn giản theo từng trường hợp cụ thể nhưng là một bước không thể bỏ qua. Khi sự việc bị lạm dụng gây hoảng loạn trầm trọng sẽ sinh ra các sang chấn tâm lý trong não. Nếu không được điều trị ngay có thể sinh ra tật tâm lý suốt đời đối với trẻ.

Sự việc đó có thể ám ảnh mãi trong ký ức không thể quên được cho đến khi trưởng thành. Khi gặp bất kỳ hình ảnh, âm thanh, hành vi nào dù là trên báo, trên tivi có liên quan đến việc lạm dụng, trẻ sẽ lại lâm vào tình trạng hoảng sợ, xa lánh, nghi ngờ người thân, bạn bè và luôn trong cảm giác đề phòng tất cả”, ông Hiền cho biết.

Ngoài tìm gặp bác sĩ tâm lý, phụ huynh và nhà trường cần phối hợp với nhau để chữa trị vết thương của bé. Bé nên được tham gia nhiều hơn các hoạt động ngoài trời, vận động thể thao, ca hát, vẽ tranh, xem kịch.

Ngoài ra, trong thời gian đầu, cha mẹ không nên để trẻ ngủ một mình, trò chuyện, vỗ về trẻ trước khi ngủ và đặc biệt hạn chế tối đa việc trẻ tiếp xúc với những hình ảnh, âm thanh gợi nhớ lại nỗi kinh hoàng. 

LÊ ĐINH
Source : tuoitre[dot]vn

SHARE THIS

Author:

Facebook Comment

0 nhận xét: